Nguồn gốc Thành_hoàng

Bên trong đình Mỹ Phước.

Sách Việt Nam phong tục chép:

Xét về cái tục thờ Thần hoàng (hiểu là thần Thành hoàng) này từ trước đời Tam Quốc (Trung Quốc) trở về trước vẫn đã có, nhưng ngày xưa thì nhà vua nhân có việc cầu đảo gì mới thiết đàn cúng tế mà thôi. Đến đời nhà Đường, Lý Đức Dụ làm tướng, mới bắt đầu lập miếu Thần hoàng ở Thành Đô; kế đến nhà Tống, nhà Minh, thiên hạ đâu đâu cũng có lập miếu thờ.Nước ta thuở bấy giờ đang lúc nội thuộc, tục Tàu truyền sang đến bên này, kế đến Đinh, thì việc thờ quỷ thần đã thịnh hành rồi. Nhưng cứ xét cái chủ ý lúc trước, thì mỗi phương có danh sơn (ngọn núi có tiếng), đại xuyên (sông lớn); triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên (núi sông) ấy để làm chủ tể (người đứng đầu) cho việc ấm tí một phương thôi. Kế sau, triều đình tinh biểu (làm cho thấy rõ công trạng, tiết tháo) những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước, thì cũng lập đền cho dân xã ở gần đâu thờ đấy. Từ đó dân gian lần lần bắt chước nhau, chỗ nào cũng phải thờ một vị để làm chủ tể trong làng mình... Dân ta tin rằng: "Đất có Thổ công, sông có Hà bá; cảnh thổ nào phải có Thần hoàng ấy; vậy phải thờ phụng để thần ủng hộ cho dân", vì thế mỗi ngày việc thờ thần một thịnh...[6]

Còn ở trong văn học Việt, theo các nhà nghiên cứu, thì việc thờ Thần hoàng được đề cập lần đầu tiên ở bài Chuyện thần Tô Lịch trong sách Việt điện u linh[7]:

Thời Đường Mục Tông, niên hiệu Trường Khánh thứ 2 (năm 822) tên Đô hộ Lý Nguyên Hỷ (hoặc Gia) thấy ngoài cửa bắc thành Long Biên có một dòng nước chảy ngược mà địa thế khả quan, mới tìm khắp, chọn một nơi cao ráo tốt, để có dời phủ lỵ đến đó... Nhân dịp ấy, y mới giết trâu đặt rượu, mời khắp các vị kỳ lão hương thôn đến dùng và thuật rõ là muốn tâu vua Tàu xin phụng Vương (ý nói đến thần sông Tô Lịch) làm Thành Hoàng. Trên dưới đều đồng lòng... Đến khi Cao Biền đắp thành Đại La, nghe đủ sự linh dị, thì lập tức sắm lễ điện tế, dâng cho hiệu là Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân. Đời Lý Thái Tổ lúc dời đô, thường mộng thấy một cụ đầu bạc, phảng phất trước bệ rồng... (Sau khi hỏi rõ lai lịch) nhà vua liền khiến quan Thái Chúc (chức quan lo việc cầu đảo phúc lành) đưa rượu chè đến tế, phong làm Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương. Dân cư (đến) cầu đảo hay thề nguyền điều chi, thì lập tức họa phúc linh ứng ngay...[8]